Hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của loạt doanh nghiệp

Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết đang dần lộ diện với con số đa phần khả quan. Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần.

Hé lộ kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của loạt doanh nghiệp

Tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết đang dần lộ diện với con số đa phần khả quan. Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tính bằng lần.

Đứng đầu bảng là CTCP Đầu tư MST (HNXMST) với doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 227 tỷ đồng (gấp 5 lần) và lợi nhuận đạt 32 tỷ đồng (gấp 86 lần cùng kỳ). Riêng quý 2/2021, Công ty ước đạt doanh thu 120 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 20 tỷ đồng nhờ mảng đóng góp chính là xây dựng, trong đó phần lớn là sản lượng hoàn thành của công trình dự án I Tower Quy Nhơn. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư cũng có đóng góp đáng kể tới kết quả hợp nhất.

Hay như CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (HNXBNA) cũng công bố kết quả ước thực hiện quý 2 với doanh thu đạt 230 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 16 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, lũy kế 6 tháng, BNA ước đem về 475 tỷ đồng doanh thu và 30 tỷ đồng lãi sau thuế (gấp 5 lần cùng kỳ).

Những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: Tác giả tổng hợp
(*) Lợi nhuận trước thuế, PVT ước thực hiện 5.5 tháng đầu năm 2021

Sau 6 tháng đầu năm, CTCP Tập đoàn GELEX (HOSE: GEX) ước tính doanh thu đạt 12,234 tỷ đồng, thực hiện được 42% kế hoạch. Trong đó, doanh thu mảng thiết bị điện là 9,092 tỷ đồng, đạt 53.3% kế hoạch và mảng hạ tầng đạt 456 tỷ, đạt 41% kế hoạch. Lợi nhuận 6 tháng ước đạt 891 tỷ đồng.

Theo đại diện GEX, 6 tháng đầu năm không riêng GEX mà các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Tuy nhiên, Công ty đã có sự nhìn nhận từ cuối năm 2020 nên có những hợp đồng đầu vào dài hơi để chuẩn bị cho kế hoạch 2021, vì vậy GEX hoàn toàn không đứt gãy chuỗi sản xuất mặc dù có bị ảnh hưởng từ đầu vào và nhân công.

Tương tự, CTCP CNG Việt Nam (HOSECNG) ghi nhận tổng doanh thu và lãi trước thuế của CNG đạt lần lượt 1,458 tỷ đồng và 48 tỷ đồng, tăng 40% và gấp gần 3 lần cùng kỳ. Sản lượng khí 6 tháng đầu năm 2021 của CNG đạt 139 triệu Sm3, tương đương 57% kế hoạch năm. Với kết quả khả quan sau nửa đầu năm, CNG đã thực hiện được hơn 61% mục tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.

Cùng ngành, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (HOSEGAS) ghi nhận nhu cầu/huy động khí của khách hàng thiếu ổn định trong nửa đầu năm 2021, ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước. Đặc biệt huy động khí cho sản xuất điện 6 tháng đầu năm 2021 rất thấp, chỉ đạt khoảng 79% kế hoạch. Một số sự cố từ thượng nguồn phát sinh gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, GAS ước tính tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 37,487 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4,302 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 3% so cùng kỳ.

Mặc dù chịu tác động bởi dịch bệnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, người tiêu dùng chi tiêu cẩn trọng hơn do thu nhập bị ảnh hưởng, tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2021 của CTCP Dầu Thực vật Tường An (HOSETAC) vẫn ghi nhận sự khả quan. Doanh nghiệp dự kiến đạt xấp xỉ 3 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi đó lợi nhuận trước thuế ước đạt 105 tỷ, tăng 24%.

Về kế hoạch sắp tới, Tổng Giám đốc TAC - ông Bùi Thanh Tùng cho biết, 6 tháng cuối năm 2021 là giai đoạn cần thận trọng vì tình hình nguyên liệu đầu vào và môi trường kinh doanh có nhiều biến động phức tạp, do ảnh hưởng của dịch bệnh lên chuỗi cung ứng và thu nhập người tiêu dùng. Trong thời điểm này TAC sẽ tập trung giữ thị trường và đồng thời đảm bảo duy trì lợi nhuận.

Giá cước vận tải tăng cao tác động đến nhóm ngành nào?

Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cước vận tải liên tục tăng mạnh, điều này vô hình chung tác động tích cực đến nhóm ngành logistics nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm ngành sản xuất.

Đại diện ngành logistics, CTCP Gemadept (HOSEGMD) ước doanh thu đạt 1,439 tỷ đồng (tăng 19%), lợi nhuận đạt 388 tỷ đồng (tăng 38% so với cùng kỳ).

Trong năm 2021, GMD đặt kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Đối với kịch bản lạc quan, doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 2,800 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 700 tỷ đồng, tăng 7% và 37% so với thực hiện năm trước. Kịch bản trung bình với doanh thu dự kiến là 2,700 tỷ đồng và lãi trước thuế là 630 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 23% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng, GMD đã thực hiện được 51% chỉ tiêu doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận 2021 theo kịch bản lạc quan.

Đối với ngành thủy sản xuất khẩu, việc giá cước tăng mạnh dường như là con dao cắt xén khá lớn phần lợi nhuận mà doanh nghiệp thu về. Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) chia sẻ tại cuộc họp ĐHĐCĐ 2021: “Hiện tại cước container đi các cảng tăng từ 2-4 lần, tức tăng 400% và chúng tôi không biết được liệu cước còn tăng nữa không? Trước tình hình này, chúng tôi quyết tâm đạt kế hoạch đã đề ra nhưng năm nay khó mà hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch sản xuất sẽ đạt nhưng kế hoạch bán hàng và kế hoạch lợi nhuận khả năng sẽ chỉ đạt 80%”.

Ông Quang cho biết, tháng 6 kết quả kinh doanh cũng sẽ tốt như tháng 5 nhưng sẽ tốt hơn ở tháng 7-10. Hiện tại 5 tháng lãi trước thuế hơn 200 tỷ đồng, 6 tháng ước tính khoảng 300 tỷ. Những tháng kia vẫn rủi ro ở container tàu. Nếu Quảng Đông chống dịch tốt thì khối lượng container được giải phóng, MPC sẽ được hưởng lợi hơn.

Về tình hình ký kết đơn hàng, tháng 5 MPC ký được 13,043 tấn tôm. Khả năng 2 nhà máy sản xuất cố gắng lắm được 7,000 tấn. Tổng giá trị 150 triệu USD. Tháng 6 từ ngày 01/06 - 16/06 ký được 3,500 tấn với giá trị 45 triệu USD. Bắt đầu từ giữa tháng 7 trở đi “Vua tôm” mới ký mạnh các hợp đồng bởi giá lúc đó dự kiến sẽ tốt hơn.

Đi ngược xu hướng

Trong khi nhiều doanh nghiệp lần lượt khoe thành tích, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSEDBC) lại ghi nhận lợi nhuận thụt lùi.

Trong quý 2, DBC ước doanh thu đạt 3,812 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên, lãi sau thuế đạt 214 tỷ đồng, giảm 47%. Theo DBC, tình hình kinh tế xã hội quý 2 phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tiếp tục bùng phát với 2 đợt dịch Covid-19 vào cuối tháng 1 và cuối tháng 4/2021 tại nhiều tỉnh, thành với số ca nhiễm lớn hơn nhiều so với các đợt dịch năm 2020. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi khiến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi tái bùng phát trên nhiều tỉnh, thành cả nước và có nguy cơ lây lan diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn. Các ổ dịch cúm gia cầm có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương và có chiều hướng lây lan ra diện rộng…

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DBC ước thực hiện được 8,431 tỷ đồng doanh thu (tăng 83%) và 579 tỷ đồng lãi sau thuế (giảm 23%).

Tương tự, mặc dù ghi nhận doanh thu nửa đầu năm tăng 28% so với cùng kỳ, đạt 121 tỷ đồng nhưng lãi ròng CTCP Cấp thoát nước Long An (UPCoM: LAW) lại giảm 49%, xuống còn 6.5 tỷ đồng. Trong năm 2021, LAW đặt kế hoạch đem về 208 tỷ đồng doanh thu và hơn 11.5 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, LAW đã thực hiện được 58% chỉ tiêu doanh thu và 57% chỉ tiêu lãi trước thuế 2021.

Tiên Tiên

FILI