Dù chịu ảnh hưởng bởi các biến động thương mại toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận sự phục hồi tích cực. Với lợi thế về chuyển đổi số, cơ cấu dân số trẻ và sự ổn định kinh tế vĩ mô, ngành bán lẻ tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế, hứa hẹn đạt quy mô gần 500 tỷ USD vào năm 2029.
Thị trường bán lẻ tiếp tục tăng trưởng
Cuộc chiến thuế quan, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây biến động mạnh đến thương mại toàn cầu, ảnh hưởng chuỗi cung ứng, giá cả và hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên, căng thẳng này có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ thỏa thuận ngày 12/5/2025, khi Mỹ giảm thuế từ 145% xuống 30% và Trung Quốc từ 125% xuống 10% trong 90 ngày.
Động thái này lập tức tạo hiệu ứng tích cực trên thị trường tài chính: chỉ số DXY – đo lường sức mạnh đồng USD so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt – tăng 1,4% lên 101,75 điểm, phục hồi từ mức thấp nhất ba năm (99 điểm). Đồng thời, S&P 500 tăng 2,8%, kéo theo VN-Index tăng gần 16 điểm. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lạm phát, hỗ trợ chuỗi cung ứng và tạo lợi thế cho các nền kinh tế mở như Việt Nam. Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có thể kỳ vọng vào khả năng được hưởng mức thuế ưu đãi hơn trong thời gian tới.
Trong nước, theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2025 đạt 2.285,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ (loại trừ yếu tố giá tăng 7,7%). Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.752,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,7% tổng mức, tăng 8,7%, trong đó: văn hóa – giáo dục tăng 12,6; lương thực – thực phẩm tăng 9,8%; may mặc tăng 7,4%; hàng gia dụng tăng 5,9%. Điều này cho thấy nhu cầu với các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và dược phẩm vẫn ổn định, ít chịu tác động từ biến động thuế quan.
Hạng mục | Giá trị | Tăng trưởng so với cùng kỳ |
Tổng mức bán lẻ hàng hóa & dịch vụ tiêu dùng | 2.285,5 nghìn tỷ đồng | +9,9% |
Doanh thu bán lẻ hàng hóa | 1.752,5 nghìn tỷ đồng | +8,7% |
▸ Văn hóa – Giáo dục | – | +12,6% |
▸ Lương thực – Thực phẩm | – | +9,8% |
▸ May mặc | – | +7,4% |
▸ Hàng gia dụng | – | +5,9% |
Ngược lại, các mặt hàng không thiết yếu ghi nhận xu hướng giảm. Trong 4 tháng đầu năm, nhu cầu vàng tại Việt Nam sụt giảm đáng kể bất chấp giá liên tục lập đỉnh. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, Quý I/2025, Việt Nam tiêu thụ khoảng 413.300 lượng vàng (15,5 tấn), giảm 15% so với cùng kỳ năm 2024 - mức giảm này chỉ đứng sau Sri Lanka và Trung Quốc trong khu vực châu Á. Nguyên nhân chủ yếu đến từ nguồn cung khan hiếm và giá vàng trong nước tăng hơn 50% so với cùng kỳ, hiện dao động ở mức kỷ lục 117,5 – 119,5 triệu đồng/lượng.
Động lực then chốt từ chuyển đổi số, thương mại điện tử
Trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ đạt quy mô 488,08 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 12,05%, một con số ấn tượng phản ánh sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, quá trình đô thị hóa nhanh (dự kiến đạt 55% vào năm 2030) và sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Chuyển đổi số tiếp tục là động lực then chốt thúc đẩy ngành bán lẻ. Đến năm 2025, dự kiến 80% dân số sẽ có tài khoản thanh toán điện tử, 90% điểm bán hàng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và 50% giao dịch thương mại điện tử sẽ được thực hiện qua các phương thức thanh toán số.
Những yếu tố này không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận tài chính mà còn thúc đẩy tiêu dùng tại cả đô thị lẫn vùng sâu vùng xa. Hạ tầng số cũng được đầu tư mạnh mẽ, với 82,4% hộ gia đình có kết nối cáp quang và việc triển khai 5G đang nâng cao tốc độ truy cập và khả năng kết nối toàn quốc. Sự phát triển nhanh của thương mại điện tử góp phần đa dạng hóa kênh bán hàng và nâng cao trải nghiệm mua sắm đa nền tảng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với khoảng 68% dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi), tương đương hơn 52,9 triệu người trong Quý I/2025. Mỗi năm có thêm khoảng 500.000 người gia nhập lực lượng lao động, tạo ra nguồn cầu bền vững cho tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, nhóm dân số trẻ (20 - 39 tuổi) chiếm gần 49% tổng dân số, đây là lực lượng tiêu dùng năng động, dễ tiếp cận công nghệ và nhạy bén với xu hướng mới. Đồng thời, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% cũng đang thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hiện đại, tạo nền tảng thuận lợi cho các mô hình bán lẻ mới phát triển mạnh mẽ.
Những cổ phiếu bán lẻ tiềm năng
MWG dự kiến doanh thu năm 2025 đạt 150.628 tỷ đồng (tăng 12,1%) và lợi nhuận sau thuế đạt 5.010 tỷ đồng (tăng 34,2%).
Công ty tập trung vào thị trường nội địa, với Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh chiếm hơn 60% doanh thu, theo chiến lược "giảm lượng, tăng chất" nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ở mảng quốc tế, MWG đẩy mạnh phát triển chuỗi Era Blue tại Indonesia, đặt mục tiêu 150 cửa hàng vào cuối năm 2025, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ so với trong nước. Bách Hóa Xanh sẽ mở thêm 200 - 400 cửa hàng, ưu tiên khu vực miền Trung, trong khi mảng online đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu ít nhất 300%. Việc tập trung vào thị trường nội địa giúp MWG giảm thiểu rủi ro từ biến động thuế quan toàn cầu.
FRT đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 51.519 tỷ đồng (tăng 28,5%) và lợi nhuận sau thuế 829 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chuỗi nhà thuốc Long Châu, động lực tăng trưởng chính với doanh thu dự kiến 30.000 tỷ đồng và hơn 3.000 cửa hàng vào cuối năm.
Công ty cũng đang chuyển đổi dần FPT Shop sang mô hình tích hợp FPT Shop Điện Máy, tận dụng hạ tầng sẵn có để mở rộng sản phẩm mà không tăng chi phí mặt bằng.
Dù đối mặt với thách thức thuế quan, FRT vẫn kỳ vọng doanh thu tăng 13% nhờ nhu cầu công nghệ phục hồi và lợi nhuận ròng tăng 22% nhờ mảng dược phẩm đạt điểm hòa vốn và tăng trưởng mạnh.
Masan (MSN) đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 80.000–85.500 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 6.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Chiến lược phát triển được triển khai song song ở cả thị trường nội địa và quốc tế.
Trong nước, Masan dự kiến mở rộng hệ thống WinCommerce lên hơn 4.500 điểm bán, trong đó có 1.900 cửa hàng tại nông thôn, đồng thời thí điểm mô hình WiN+ và phát triển hệ sinh thái khách hàng thân thiết với 11 triệu thành viên.
Ở thị trường quốc tế, Masan theo đuổi chiến lược “Go Global”, đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu ít nhất 20%, tập trung vào Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, với các sản phẩm chủ lực như gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan. Việc đa dạng hóa thị trường giúp Masan giảm rủi ro từ biến động thương mại và phát huy lợi thế của sản phẩm Việt.
(*) Bài viết này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư tham khảo. Quan điểm, dự báo và những ước tính trong báo cáo này chỉ thể hiện ý kiến của tác giả tại thời điểm phát hành và có thể thay đổi mà không cần thông báo trước. Bài viết không mang tính chất mời chào hay bán bất kỳ chứng khoán nào, nhà đầu tư nên có nhận định độc lập về thông tin trong bài viết này.