'Ông lớn' BĐS Malaysia muốn làm dự án 1,4 tỷ USD tại Cần Thơ với đường đua MotoGP đẳng cấp, ghi tên Việt Nam vào bản đồ giải mô-tô Grand Prix

UBND TP Cần Thơ vừa qua đã trao 43 quyết định chủ trương đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước sau khi công bố quy hoạch, với số vốn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.

Trong đó, Tập đoàn Pavilion International của Malaysia , thông qua đối tác là Công ty TNHH Gobal Partnership, dự kiến triển khai khu phức hợp thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng, MotoGP với vốn đầu tư 1,4 tỉ đô la Mỹ.

Khu phức hợp thể thao, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng với điểm nhấn là đường đua MotoGP đẳng cấp quốc tế , được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ góp phần vẽ tên Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ đường đua MotoGP thế giới (giải mô-tô Grand Prix). Từ đó, cũng mở ra các cơ hội lớn hơn về đầu tư, du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế cho Cần Thơ và cả khu vực ĐBSCL.

'Ông lớn' BĐS Malaysia muốn làm dự án 1,4 tỷ USD tại Cần Thơ với đường đua MotoGP đẳng cấp, ghi tên Việt Nam vào bản đồ giải mô-tô Grand Prix - Ảnh 1.

Cần Thơ trao bản ghi nhớ đầu tư cho hàng loạt dự án, trong đó, có dự án của Tập đoàn Pavilion International của Malaysia

Pavilion Group là tập đoàn bất động sản lớn có trụ sở tại Malaysia, chuyên phát triển các khu phức hợp bán lẻ quy mô lớn tại các khu vực trung tâm thành phố lớn của nước này và Trung Quốc.

Bên cạnh việc phát triển các bất động sản truyền thống, công ty cũng kinh doanh sản phẩm REIT – cho phép nhiều nhà đầu tư có thể tham gia vào lĩnh vực yêu cầu vốn lớn này.

Sản phẩm truyền thống của Pavilion bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, chung cư cũng như văn phòng cho thuê… những toà nhà này có vị trí đắc địa với kiến trúc tương đối nổi bật. Một trong những dự án hàng đầu của tập đoàn là Pavilion Kuala Lumpur , được biết tới như trung tâm mua sắm hàng đầu tại thủ đô của Malaysia, với tổng cộng hơn 700 cửa hàng trải rộng trên 10 tầng và 8 khu vực của toà nhà.

Năm 2015, Pavilion Group và Uỷ Ban kế hoạch Hưu trí Canada (CPPIB) đã cùng hợp tác đầu tư vào dự án Pavilion Damansara Heights. CPPIB đóng góp khoảng 170 triệu CAD (127 triệu USD) cho dự án này để đổi lấy 49% cổ phần; dự án hiện vẫn đang được triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm sau.

Có thể thấy, với nhiều năm hoạt động và mở rộng tại Malaysia, Pavilion đã có được chỗ đứng vững chắc tại quốc gia này và tiếp tục mong muốn có thêm nhiều cơ hội khác tại khu vực.

'Ông lớn' BĐS Malaysia muốn làm dự án 1,4 tỷ USD tại Cần Thơ với đường đua MotoGP đẳng cấp, ghi tên Việt Nam vào bản đồ giải mô-tô Grand Prix - Ảnh 2.

Khu mua sắm nổi tiếng Pavilion Kuala Lumpur của tập đoàn (Ảnh: Pavilion Kuala Lumpur)

Quỹ đầu tư REIT của Pavilion chủ yếu đầu tư vào các bất động sản thương mại với mục đích bán lẻ hoặc cho thuê văn phòng. Danh mục đầu tư của quỹ này gồm 5 bất động sản, với 80% nằm ở Kuala Lumpur và được hưởng lợi rất nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế Malaysia những năm vừa qua.

REIT - quỹ tín thác đầu tư bất động sản.

Đối với những nhà đầu tư, REIT có chức năng giúp cho nhiều cá nhân cùng đầu tư vào một hoặc một quỹ bất động sản thông qua việc phát hành chứng chỉ quỹ hay cổ phiếu.

Do đó, không cần khối lượng vốn quá lớn, những nhà đầu tư cá nhân vẫn có thể sở hữu cho mình một danh mục bất động sản riêng. Thông qua việc này, nhà đầu tư sẽ nhận lại được một phần lợi nhuận từ việc vận hành bất động sản của quỹ nhận ủy thác đầu tư.

Thay vì phát triển bất động sản để bán lại như truyền thống, quỹ này sẽ mua và phát triển các tòa nhà như một phần của danh mục đầu tư. Do đó, khả năng điều hành REIT của những người đứng đầu là cực kỳ quan trọng đối với các nhà đầu tư vào quỹ này.

Tại Việt Nam, tháng 10/2023, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập công ty bất động sản VMI. VMI sẽ đầu tư một quỹ bất động sản nhất định của Vinhomes và sau đó sẽ chia nhỏ để bán cho các nhà đầu tư. Công ty VMI gợi liên tưởng đến mô hình quỹ tín thác đầu tư bất động sản hay còn gọi là REIT (Real Estate Investment Trust) vì dù không phải là REIT nhưng VMI có một số điểm tương đồng nhất định về cách thức hoạt động.


Tổng giá trị danh mục quỹ REIT Pavilion vào khoảng 6 tỷ RM (khoảng 1,24 tỷ USD) với doanh thu năm 2022 đạt 570 triệu RM (122 triệu USD).

Đến thời điểm hiện tại, quỹ REIT này đã bổ sung thêm 1 bất động sản nữa tại Kuala Lumpur vào danh mục của mình. Quỹ vẫn đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vài các bất động sản khác tại Malaysia cũng như khu vực Đông Nam Á. Cổ phiếu của quỹ được giao dịch trên sàn chứng khoán của Malaysia, với giá đóng cửa gần nhất là 1.19 RM (0.25 USD).

'Ông lớn' BĐS Malaysia muốn làm dự án 1,4 tỷ USD tại Cần Thơ với đường đua MotoGP đẳng cấp, ghi tên Việt Nam vào bản đồ giải mô-tô Grand Prix - Ảnh 4.

Tình hình kinh doanh của quỹ REIT Pavilion năm 2022 (Ảnh: Pavilion REIT)

Pavilion Group cũng không phải là một cái tên xa lạ tại Việt Nam khi năm 2016, cùng với 2 đối tác lớn khác (trong đó có Genting – cũng là một tập đoàn của Malaysia) ký thoả thuận đầu tư vào dự án Saigon Peninsula tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị ước tính vào khoảng 6 tỷ USD.

Dự án được quảng cáo bao gồm một siêu đô thị với các trung tâm thương mại bán lẻ cùng nhiều khu căn hộ cao cấp. Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, vì nhiều lý do mà dự án chưa có nhiều tiến triển trong việc xây dựng.

Dự án Saigon Peninsula được UBND TP. HCM chấp thuận đầu tư vào năm 2007. Nơi đây sở hữu vị trí đắc địa khi có 2 mặt giáp sông Sài Gòn và sông Soài Rạp, mặt tiền đường Đào Trí (phường Phú Thuận) - con đường “tỷ đô” tập trung nhiều bất động sản lớn.

Sau thời gian khởi công rầm rộ, tiến độ dự án Saigon Peninsula bắt đầu chững lại vào giai đoạn 2017-2018. Tháng 6/2017, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Xây dựng nêu lên quan điểm về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án.

Theo đó, chủ đầu tư vẫn còn chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để thể hiện được mình đủ năng lực tài chính thực hiện dự án. Đầu năm 2022, dự án được Công ty Viva Land quản lý.


Xem thêm tại cafef.vn