Quan hệ cổ đông: Đừng “làm cho có”

Những chuyện muôn năm cũ

Thời gian qua, có một vài câu chuyện khiến tôi băn khoăn về vai trò của quan hệ cổ đông trong công ty niêm yết ở Việt Nam.

Thứ nhất là chuyện Công ty Chứng khoán VNDirect và Công ty PVOIL bị hacker tấn công. Đây là một thông tin trọng yếu phải làm rõ và công bố kịp thời cho nhà đầu tư lẫn khách hàng. Tuy nhiên, hầu như không tìm thấy một thông tin giải thích cụ thể về tiến trình đối mặt với hacker cũng như cập nhật cho cổ đông, điều mà có thể ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu. Quan trọng hơn, chúng ta không thấy một hướng dẫn chỉ ra một điểm liên hệ nào của công ty chịu trách nhiệm giải trình hay giải đáp thắc mắc cho cổ đông.

Câu chuyện thứ hai, là việc lợi nhuận của một số ngân hàng giảm mạnh sau kiểm toán. Nếu là 10 năm trước, chúng ta còn thông cảm “thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ”. Nhưng bây giờ, khi đã bàn tới nâng hạng thị trường, chúng ta không thể dùng lý do đó nữa.

Ở các thị trường như Anh, có một thông lệ là khi lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng lớn sau kiểm toán thì các công ty cũng công bố những thông tin gọi là cảnh báo lợi nhuận (profit warnings), theo đó cảnh báo cổ đông về khả năng sụt giảm lợi nhuận so với năm trước, hoặc so với báo cáo tài chính chưa kiểm toán đã công bố, vì tính bất định của một số khoản mục. Tính bất định này, bản thân công ty biết trước được, vì vậy, hoàn toàn có thể cảnh báo cổ đông trước về những khoản mục có rủi ro bị điều chỉnh đáng kể.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh quốc

Những điều này thật ra đã diễn ra từ nhiều năm nay và giới đầu tư vẫn đang chấp nhận nó với cách nghĩ “thị trường Việt Nam nó thế”. Nhưng nếu tiếp tục nghĩ như vậy, chúng ta kỳ vọng gì vào dòng tiền sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam, cả về nội địa và nước ngoài? Nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là chiếc đũa thần. Sau một vài hiệu ứng ngắn hạn ban đầu, chất lượng của hàng hóa thị trường, cách các công ty đối xử với cổ đông mới là thứ giữ dòng tiền ở lại.

“Mọi chuyện vẫn phải thay đổi từ từ thôi em ạ”. Đây là nhận xét đáng ngạc nhiên từ một người anh mà tôi nghe được trong một buổi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ làm trong ngành chứng khoán khi tôi về thăm quê vào tháng 3 vừa qua. Một mặt, tôi nghe được nhiều thứ về những nỗ lực “bắt trend” ESG trong công ty niêm yết, về công nghệ, về “chiêu thức” mới trong lôi kéo và giữ chân khách hàng của các công ty chứng khoán, nhưng mặt khác, tôi cũng nghe nhiều nhận xét rằng, công tác quan hệ cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết dường như không có đổi mới gì cả. Một số người còn xem quan hệ với cổ đông tốt hơn trước ở chỗ “mấy báo cáo thường niên làm đẹp hơn, chuyên nghiệp hơn”, hoặc công ty có bộ phận quan hệ cổ đông chuyên nghiệp.

Câu chuyện niềm tin

Tinh thần cốt lõi của quan hệ cổ đông là tương tác với nhà đầu tư, lắng nghe và tạo ra niềm tin

Thế nhưng, “chuyên nghiệp” là như thế nào? Có lẽ bạn ấy cảm thấy báo cáo thường niên đẹp hơn, viết thêm một số thứ có vẻ chuyên sâu, nhưng thật ra là không có gì rõ ràng về rủi ro kinh doanh, rủi ro thị trường.

Trong khi rất ít nhà đầu tư thật sự đọc hiểu hết các thông tin đó, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường và rồi, nếu có tình trạng công bố thông tin không kịp thời thì chế tài đối với công ty niêm yết là rất nhẹ nhàng.

Quan hệ cổ đông không nằm ở việc lập ra một phòng ban chuyên phụ trách mảng đó, tổ chức sự kiện, liên hệ báo chí, giới phân tích, nhà đầu tư. Như vậy, chỉ là một phòng ban “làm event” mà thôi. Tinh thần cốt lõi của quan hệ cổ đông là tương tác với nhà đầu tư, lắng nghe và tạo ra niềm tin. Trong đó, tạo niềm tin là một mục tiêu quan trọng.

Quan hệ cổ đông phải làm sao mà cổ đông tin tưởng vào lãnh đạo, vào thương hiệu công ty, tự hào là một nhà đầu tư vào công ty và gắn bó lâu dài dựa trên những giá trị, niềm tin và cuối cùng là tài sản của họ lớn lên cùng với sự lớn mạnh của công ty. Nó không chỉ là vai trò của một vài sự kiện, báo cáo, một trang web quan hệ cổ đông chỉn chu, mà còn phải là một chiến lược nội bộ xuyên suốt được các lãnh đạo công ty xem là một phần trong chiến lược của mình.

Quan hệ cổ đông bị xem nhẹ, còn là vì các lãnh đạo chưa xem các phản hồi, quan tâm của cổ đông là đáng quan tâm để đưa vào chiến lược kinh doanh của mình. Khi lãnh đạo công ty còn hỏi cổ đông “đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu” thì có nghĩa là họ còn chưa muốn lắng nghe những ý kiến của cổ đông nhỏ. Khi anh đang không muốn lắng nghe thì làm sao cổ đông có thể tin tưởng anh? Trong ba yếu tố tương tác, lắng nghe, tạo niềm tin thì như vậy đã gãy mất hai rồi. Vậy thì, tương tác nhưng không lắng nghe, không thật tình cung cấp thông tin để tạo niềm tin thì chỉ là làm cho có lệ, đối phó mà thôi.

Làm đối phó, cho có lệ vẫn là cảm giác mà tôi nhận được khi nhìn vào cách mà số đông công ty niêm yết đang làm trong các thành phần của công việc quan hệ cổ đông ở Việt Nam. “Làm màu nhiều hơn làm thật” là một nhận xét thân tình đáng suy nghĩ của một bạn làm việc trong ngành chứng khoán khi nhận xét về một số đại hội cổ đông. Đến mức mà năm ngoái, tôi còn đọc được một tít báo kiểu “Sợ đại hội bất thành, công ty dùng độc chiêu “gom” cổ đông”. Đọc thấy buồn cười nhưng ngẫm lại thì nó lộn xộn như một cái chợ mất trật tự hơn là một thị trường chứng khoán chỉn chu.

Tất nhiên, một phần trong cái sự mất trật tự đó cũng không phải chỉ vì công ty, mà chính một số cổ đông không quá quan tâm tới gắn bó lâu dài với công ty, chỉ chăm chăm “lướt sóng”, hoặc chính họ không cần công ty hành xử chuyên nghiệp trong quan hệ với cổ đông. Nhưng không thể chỉ vì một số nhà đầu tư như vậy mà bỏ qua những nhà đầu tư khác.

Khi mà đã gần 10 năm nay chúng ta nói về câu chuyện nâng hạng thị trường và đang rất kỳ vọng vào nó thì chúng ta cũng nên đặt câu hỏi rằng cái tầm thật sự của thị trường đã nâng lên hay chưa, hay chỉ là cố gắng làm sao đạt được những tiêu chí về mặt kỹ thuật? Chất lượng của quan hệ cổ đông công ty, quản trị công ty là những thước đo thật hơn về trình độ và tầm vóc của thị trường. Giống như tìm cách đạt các tiêu chí nâng hạng thị trường, chúng ta dễ bắt chước hay tìm cách đạt được những thứ mang tính kỹ thuật và bề ngoài, nhưng nếu cái cốt lõi nó trống rỗng thì cũng không tạo ra giá trị bền vững. Đừng để quan hệ cổ đông trở thành “làm cho có”!

Khi tôi vẫn đang phải ngồi viết về những nỗi lo y như 10 năm trước như thế này, thì thật là đáng suy ngẫm về câu chuyện quan hệ cổ đông nói riêng và sự gia tăng nội lực nói chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn