Vietcombank được chấp thuận tăng vốn lên 55.891 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank năm 2022 đã thông qua phương án phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%. Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên 55.891 tỷ đồng.

Với mức vốn mới này, Vietcombank sẽ vượt VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank.

Theo Vietcombank, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.

Ngoài ra, Vietcombank cũng đang triển khai 2 kế hoạch tăng vốn khác. Thứ nhất, là tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018. Vốn điều lệ dự kiến tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng đang triển khai thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai là phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, Vietcombank đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến trong năm 2023-2024.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý 1/2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 11.221 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đến từ diễn biến tích cực của của hoạt động kinh doanh cốt lõi như tín dụng, kinh doanh ngoại hối và việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Đến cuối tháng 3/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,846 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt trên 1,174 triệu tỷ, tăng 2,5%.

Tiền gửi khách hàng tăng 3,1% sau 3 tháng đầu năm, lên mức hơn 1,281 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm 8,45% xuống còn 368.112 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn tăng 8,53% lên mức 891.784 tỷ đồng.

Về chất lượng tín dụng, đến cuối tháng 3, nợ xấu của ngân hàng tăng 27,1% so với đầu năm lên 9.942 tỷ đồng. Trong đó, nợ nợ nhóm 3 gấp 6 lần hồi đầu năm lên 2.524 tỷ đồng; nợ nhóm 4 tăng 25,2% lên mức gần 980 tỷ đồng trong khi nợ nhóm 5 giảm nhẹ 2,8% xuống 6.439 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ nhóm 2, tức nợ cần chú ý của Vietcombank cũng tăng thêm gần 85% lên mức 7.542 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng từ 0,68% hồi đầu năm lên 0,85% khi kết thúc quý 1/2023.

Xem thêm tại nhipsongkinhdoanh.vn