VND vẫn chịu sức ép trước biến động thương mại và FDI

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, các chuyên gia Chứng khoán VPBankS nhận định thị trường tài chính Việt Nam đang đứng trước những biến động khó lường từ bối cảnh kinh tế quốc tế, trong đó tỷ giá và lãi suất đều chịu áp lực kép từ yếu tố bên ngoài lẫn nội tại.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì điều hành linh hoạt nhằm giữ ổn định các cân đối lớn và hỗ trợ tăng trưởng.

USD suy yếu, tỷ giá trong nước chịu sức ép

Từ đầu tháng 4 đến nay, chỉ số sức mạnh USD (DXY) đã giảm khoảng 4%, từ mốc 104 điểm xuống đáy dưới 100 điểm, trước khi phục hồi nhẹ lên vùng 99,8–100 điểm vào đầu tháng 5 nhờ tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại và dữ liệu kinh tế Mỹ.

"Dù vậy, xu hướng giảm vẫn chi phối khi nhà đầu tư tìm đến các đồng tiền trú ẩn thay thế như yên Nhật và franc Thụy Sĩ ", báo cáo VPBankS cho hay. 

 (Nguồn: VPBankS)

Trong nước, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do, USD biến động khá rộng, giá mua dao động từ 26.010–26.380 VND/USD và giá bán lên tới 26.480–26.500 VND/USD, phản ánh tâm lý đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận chênh lệch và nhu cầu linh hoạt từ dân cư. Trong khi đó, Vietcombank giữ tỷ giá ổn định hơn, với giá bán phổ biến trong khoảng 25.610–26.190 VND/USD.

Theo VPBankS, trong những tháng tới, tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục chịu áp lực từ bất ổn kinh tế - chính trị toàn cầu và những thay đổi liên tục trong chính sách thương mại quốc tế,  dù đồng USD đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi thị trường bắt đầu kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối quý III/ 2025.

"Ở trong nước, dù NHNN duy trì chính sách điều hành linh hoạt, kết hợp can thiệp kịp thời qua các phiên bán ngoại tệ kỳ hạn, thì áp lực từ nhu cầu nhập khẩu mùa cao điểm, cùng với dòng vốn FDI vẫn chưa ổn định hoàn toàn và rủi ro suy yếu từ cán cân thương mại sẽ khiến VND phải khó khăn để giữ vững giá", báo cáo VPBankS nhận định. 

  (Nguồn: VPBankS)

Lãi suất giữ ổn định, thanh khoản hệ thống được kiểm soát

Từ đầu tháng 4 đến nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì dao động quanh mức 4%/năm cho hầu hết các kỳ hạn, phản ánh chính sách điều hành linh hoạt và thận trọng của NHNN.

Cụ thể, đầu tháng 4, lãi suất qua đêm và kỳ hạn 1 tuần quanh 4,0–4,1%/năm; giữa tháng, khi NHNN tăng nhẹ hoạt động hút ròng, lãi suất qua đêm nhích lên 4,07%, kỳ hạn 2 tuần lên tới 4,7%. Tuy nhiên, cuối tháng, thanh khoản dồi dào giúp lãi suất qua đêm giảm còn xấp xỉ 3%, trong khi các kỳ hạn dài vẫn ổn định quanh 4,1–4,4%.

Sang đầu tháng 5, thị trường hồi phục nhẹ, lãi suất qua đêm tăng trở lại vùng 4,1–4,2%, kỳ hạn 1 tháng duy trì ở 4,5%/năm. Ước tính, NHNN đang bơm ròng khoảng 85.000 tỷ đồng ra thị trường thông qua hai kênh chính là tín phiếu và nghiệp vụ thị trường mở (OMO), qua đó duy trì thanh khoản ổn định cho hệ thống ngân hàng.

  (Nguồn: VPBankS)

Áp lực vĩ mô và điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu

VPBankS đánh giá trong bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro từ căng thẳng địa chính trị khu vực và xung đột thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn Mỹ - Trung Quốc, vai trò điều hành chính sách tiền tệ của NHNN luôn đóng vai trò thiết yếu.

Hiện NHNN đang phối hợp đồng bộ giữa điều tiết lãi suất, kiểm soát tỷ giá và đảm bảo thanh khoản, đồng thời giữ ổn định mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16% cho năm 2025.

Lãi suất cho vay trên thị trường vẫn được duy trì ở mức hợp lý, trong khi NHNN đang thúc đẩy cho vay thương mại với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa kiểm soát lạm phát dự kiến dao động 3,5-4,5% trong năm. 

Ngoài các biện pháp truyền thống, báo cáo của VPBankS cũng nhấn mạnh vai trò của cải cách thể chế và chuyển đổi số trong hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ.

Các sáng kiến như xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, áp dụng công nghệ blockchain trong giao dịch tài chính sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm chi phí giao dịch và tạo môi trường kinh doanh minh bạch.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển kinh tế xanh, khuyến khích tài chính bền vững và thu hút FDI chất lượng cao trong các ngành công nghệ cao cũng được xem là động lực trung hạn để tăng cường sức chống chịu cho nền kinh tế trước biến động bên ngoài.

Xem thêm tại vietnambiz.vn