Cách những cánh chim đầu đàn như Vingroup, Thaco, Hòa Phát, FPT bay ra khỏi vùng an toàn tìm vùng trời mới

Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mang đến một cú hích lớn. Nghị quyết không chỉ tác động cải cách về thể chế mà còn ở hành lang pháp lý, tài chính và môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp từng bước vươn ra toàn cầu.

Một trong những mục tiêu là có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; dành riêng nhóm giải pháp để phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Theo Giám đốc Khối Khách hàng Tổ chức VNDirect Cao Thị Ngọc Quỳnh, Nghị quyết 68 nêu rõ việc mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. 

Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án nghiên cứu khoa học trọng điểm.

Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đang được gợi ý đầu tư lớn như Tập đoàn Hòa Phát nghiên cứu làm ray đường sắt tốc độ cao, Tập đoàn Trường Hải nghiên cứu sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, FPT tập trung đào tạo nhân lực cho chip bán dẫn...

Những cánh chim đầu đàn khu vực kinh tế tư nhân đang quyết liệt thực hiện những nhiệm vụ chiến lược ở các lĩnh vực khác nhau, tạo động lực chung vào sự phát triển của đất nước.  

Vingroup, Hòa Phát, Thaco "phá rào" vào siêu dự án quốc gia

CTCP Đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed thông báo đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, mở đường cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu rộng vào các dự án trọng điểm quốc gia.

Vinspeed đề xuất làm nhà đầu tư trực tiếp, mong muốn có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030.

 Vingroup, Hòa Phát, Thaco, Fecon... muốn có mặt trong siêu dự án đường sắt cao tốc.

Dự án có vốn đầu tư hơn 1,56 triệu tỷ đồng. Trong đó, công ty chịu trách nhiệm thu xếp 20% vốn và số còn lại được đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm; giảm tải đáng kể áp lực cho ngân sách Nhà nước so với phương án tại Nghị quyết số 172/2024/QH15.

Phía doanh nghiệp cho biết đây là động thái hưởng ứng Nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

VinSpeed xác định đây là dự án cống hiến dài hạn trong nhiều thập kỷ, trên tinh thần phụng sự đất nước. Công ty vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng và thuộc hệ sinh thái Vingroup, trở thành mũi nhọn tiếp theo cùng với các trụ cột khác vươn tầm quốc tế.

Ngoài đường sắt Bắc Nam, Tập đoàn Vingroup còn đề xuất thực hiện 2 dự án đường sắt cao tốc lớn khác là tuyến Phú Mỹ Hưng - Cần Giờ ở TP HCM và tuyến Hà Nội - Quảng Ninh. 

Tập đoàn Hòa Phát cũng đang sốt sắng triển khai dự án sản xuất ray đường sắt và thép đặc biệt Hòa Phát Dung Quất. Dự án có quy mô đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng, trên diện tích 18,39ha. 

Vào cuối tháng 11/2024, lãnh đạo tập đoàn này đã úp mở về khả năng đấu thấu vào dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đồng thời bắt đầu nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ ở các nước có sản xuất thép đường ray. 

Sang đầu năm 2025, lãnh đạo Chính phủ gợi ý Hòa Phát nghiên cứu sản xuất thép đường ray cao tốc. Doanh nghiệp sau đó đã triển khai nhanh các công việc, dự kiến có thể động thổ vào tháng 5/2025 và cho ra sản phẩm từ tháng 5/2027.  

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long tại cuộc họp cổ đông thường niên cho biết đã ký kết hợp đồng mua dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao 500.000 tấn/năm. Hòa Phát cam kết cung ứng đủ 10 triệu tấn cho dự án, đảm bảo chất lượng và giá cả cạnh tranh. 

Quyết định đầu tư của Hòa Phát được một số nhà đầu tư xem là mạo hiểm bởi thời điểm triển khai vẫn chưa có một gói thầu ray đường sắt cao tốc Bắc - Nam nào được phê duyệt.

Tổng giám đốc Nguyễn Việt Thắng chia sẻ trên truyền thông rằng không đầu tư để lấy danh tiếng, mà có tính toán kỹ lưỡng. Ngoài các yếu tố kinh tế, còn có một phần rất quan trọng là trách nhiệm chiến lược, là cống hiến cho đất nước.

"Cơ sở để Hòa Phát đưa ra quyết định này là thông điệp của Chính phủ hiện nay đang muốn phát triển ngành công nghiệp đường sắt và khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân", ông Thắng nói trên báo Dân Việt. 

Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cũng đang ghi dấu ấn tại dự án trọng điểm này khi được lãnh đạo Chính phủ đề nghị tham gia nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu, đầu máy của đường sắt tốc độ cao.

Chủ tịch HĐQT Trần Bá Dương khẳng định sẽ tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Tập đoàn đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất.  

Đại diện doanh nghiệp cho biết có đủ năng lực tham gia nếu có sự hỗ trợ từ chính sách. Phía Thaco đề xuất miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện chưa thể sản xuất trong nước, đồng thời áp dụng ưu đãi đầu tư theo các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Nhiều nhà thầu hạ tầng tư nhân cũng muốn "có chân" trong siêu dự án quốc gia này như Fecon, Vinaconex, Đèo Cả... đã đánh tiếng chuẩn bị sẵn sàng cho các gói thầu kỹ thuật cao, kiến nghị tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi xây dựng.   

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, từng nhận định chỉ khoảng 20 doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ và tài chính để tham gia vào đại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Cắm cờ ra thế giới

Bên cạnh việc phá rào tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, nhiều tập đoàn lớn cũng đang vươn mình ra biển lớn với các kế hoạch đổ bộ vào nhiều thị trường tiềm năng ở nước ngoài. 

Vinfast đang là ngọn cờ đầu trong việc đưa hình ảnh xe điện Việt Nam ra thị trường quốc tế. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong cuộc họp cổ đông gần đây nhấn mạnh VinFast đã hoàn thành mục tiêu cắm cờ trên thế giới khi đặt chân đến Mỹ và nhiều nước khác. 

"Việc của chúng ta là cắm cờ cho thế giới biết xe điện Việt Nam đạt tiêu chuẩn thế giới", chủ tịch Vingroup nói.

VinFast đặt mục tiêu chiếm khoảng 40% thị phần trong nước và mở rộng nước ngoài. Chiến lược phát triển quốc tế với định hướng "cắm cờ" ở Mỹ, châu Âu, Canada... và đẩy mạnh doanh thu tại Ấn Độ, Indonesia, Philippines. 

Dự án VinFast không chỉ đơn thuần sản xuất xe điện mà còn tập trung xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ từ sản xuất pin, trạm sạc cho đến các giải pháp năng lượng thông minh.

Tập đoàn tư nhân lớn nhất cả nước còn muốn tham gia vào lĩnh vực năng lượng khi đề xuất phát triển 22,5 GW điện năng lượng tái tạo và LNG đến năm 2030. Động thái nhằm hoàn thiện hệ sinh thái xe điện xanh và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

 Xe điện made in Vietnam đã xuất ngoại đi nhiều thị trường lớn. Ảnh: VinFast. 

Tập đoàn FPT đang là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực công nghệ, được Thủ tướng giao nhiệm vụ tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn.

FPT đang gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị với đơn hàng 70 triệu chip; phát triển nguồn nhân lực hướng đến mục tiêu 10.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ trong thiết kế mà còn ở cả các khâu quan trọng như đóng gói và kiểm thử; nghiên cứu, triển khai các dòng chip bán dẫn thông minh.

Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa còn cho biết FPT sẽ mở rộng mô hình AI Factory, nhất là tại Việt Nam và Nhật Bản; hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp hạ tầng AI và Cloud hàng đầu khu vực.

Đồng thời, FPT sẽ tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các đề án lớn của Chính phủ; tập trung vào những "trận đánh lớn" quy mô trăm triệu USD với khách hàng lớn trên toàn cầu.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu rõ ràng đến năm 2030, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tập đoàn bán lẻ Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) cũng đang xuất ngoại thành công với thương hiệu Era Blue tại đảo quốc Indonesia. Đây là liên doanh bán lẻ được thành lập giữa MWG với Tập đoàn Erajaya. 

Chuỗi bán lẻ điện máy Era Blue vừa cán mốc 100 cửa hàng trong đầu tháng 5, sau hơn 2 năm xuất hiện tại Indonesia. Lãnh đạo chuỗi này cho biết doanh thu lũy kế đã vượt 150 triệu USD (khoảng 3.900 tỷ đồng). 

Chuỗi này dự kiến hoàn tất mở 500 cửa hàng vào 2027, đạt doanh thu trên 1 tỷ USD và tiến tới IPO. Việc này theo doanh nghiệp không chỉ hiện thực hóa tham vọng của liên doanh, mà còn khẳng định mô hình hợp tác thành công giữa hai tập đoàn bán lẻ hàng đầu khu vực. 

Một số tập đoàn tư nhân khác cũng đang tạo được dấu ấn ở thị trường nước ngoài như Masan Group có chiến lược Go Global tại các thị trường trọng điểm bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Tập đoàn muốn đóng vai trò "đại sứ" đưa ẩm thực Việt Nam vươn xa trên bản đồ tiêu dùng quốc tế.

Trong ngành sữa, Tập đoàn TH đang tăng hiện diện tại Liên bang Nga khi mới vận hành Nhà máy chế biến sữa tươi sạch. Trong khi Vinamilk cũng đang đẩy mạnh phát triển các chi nhánh nước ngoài tại Mỹ, Lào, Campuchia. Công ty Sữa Quốc tế Lof (IDP) quyết định đầu tư dự án kinh doanh sữa và đồ uống Philippines. 

Hay Tại đoàn Thiên Long đề ra chiến lược Glocalisation để chuyển mình thành một doanh nghiệp quốc tế,  khai thác tối đa tiềm năng tăng trưởng từ các khu vực này, đặc biệt là Đông Nam Á.

Xem thêm tại vietnambiz.vn