Nhiều yếu tố đang ủng hộ cho xu hướng hồi phục của thị trường chứng khoán
Dù kết phiên 7/12 trong sắc đỏ nhưng phiên điều chỉnh này lại là động lực kéo dòng tiền trở lại. Toàn sàn HoSE có hơn 1,33 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh thành công, tương đương giá trị giao dịch đạt 27.450 tỷ đồng. Tính trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt xấp xỉ 31.900 tỷ đồng (tương đương 1,32 tỷ USD).
Tín hiệu tích cực nhất là dòng tiền
Nhìn về bức tranh tổng quát, thị trường đã có những nhịp hồi phục tương đối tốt với biên độ rộng. Tâm điểm là nhóm cổ phiếu midcap và smallcap với hiệu suất sinh lời vượt trội so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thể hiện phần nào xu thế của dòng tiền ngắn hạn, tìm kiếm lợi nhuận T+.
VN-Index liên tục duy trì thanh khoản tốt. (Hình minh họa) |
Đáng chú ý, sau phiên bùng nổ 4/12, VN-Index tiếp tục duy trì thanh khoản tốt cho thấy dòng tiền bắt đầu sôi động trở lại.
Cụ thể, phiên 6/12, VN-Index tiếp tục ghi nhận phiên củng cố và xác nhận nhịp hồi phục thứ 2 sau đợt giảm mạnh tháng 10.
Thanh khoản thị trường đạt 20.118,01 tỷ đồng, tăng 5,17% so với phiên trước đó, trên mức trung bình, thể hiện ngắn hạn dòng tiền nội đang duy trì khá tích cực dù nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị 549,14 tỷ đồng trên HoSE và 7,26 tỷ đồng trên HNX.
Bên cạnh đó, dòng tiền thay nhau luân chuyển giữa các nhóm ngành, chưa kể số lượng cổ phiếu vượt lên trên MA20 ngày tăng lên trên 70%... ủng hộ cho một xu hướng hồi phục.
Nhìn tổng thể, thị trường đang đón nhận một số thông tin vĩ mô cả trong lẫn ngoài nước hỗ trợ.
Cụ thể, lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt với chỉ số PCE lõi (chỉ số giá chi tiêu cá nhân không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,2% trong tháng 10 và 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai con số này đều khớp với dự báo của thị trường trước đó và giảm so với mức tăng của tháng 9 tương ứng là 0,3% và 3,7%. Thông tin này càng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới.
Trong nước, đà phục hồi của nền kinh tế bứt tốc trong tháng 11 với sản lượng công nghiệp, tổng mức bán lẻ và số liệu xuất khẩu đều khả quan hơn so với tháng trước. Đồng thời, lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng qua kênh thị trường mở (OMO), qua đó kéo lượng tín phiếu đang lưu hành về chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Động thái này sẽ giúp cải thiện đáng kể tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng tiền quay trở lại thị trường.
“Thị trường bước vào tháng cuối cùng của năm với thông tin được chờ đợi nhất: Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Fed vào ngày 12-13/12. Trên thị trường lãi suất tương lai, giới đầu tư đang đặt cược Fed sẽ không tăng lãi suất trong kỳ họp cuối cùng của năm này. Trong nước, một số thông tin hỗ trợ thị trường cũng đã xuất hiện như: Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế VAT; Ngân hàng Nhà nước phát nhiều tín hiệu tích cực về tín dụng...”, nhóm phân tích của Chứng khoán MB (MBS) chỉ rõ.
Tận dụng cơ hội trading với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán KBSV đánh giá thuần túy về mặt định giá, mức P/E của VN-Index khoảng 15,5 lần như hiện tại chỉ thấp hơn không nhiều so với mức bình quân 2 năm trở lại đây và không phải mức định giá quá hấp dẫn theo số liệu từ Bloomberg – mức P/E này đã loại bỏ các lợi nhuận bất thường của doanh nghiệp nên có sự khác biệt so với tính toán của các tổ chức khác.
Dù vậy, trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục, kỳ vọng nền kinh tế cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ cho thấy xu hướng hồi phục rõ nét trong quý IV năm nay cũng như cả năm 2024, KBSV cho rằng định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung hạn.
Đối với biến động thị trường trong tháng 12, KBSV thiên về kịch bản giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo khi nhiều yếu tố thông tin trái chiều vẫn có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt liên quan đến rủi ro đồng USD hồi phục, hay xung đột ở dải Gaza lan rộng….
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở giai đoạn này là 50% tài khoản. Nhà đầu tư không nên mua đuổi trong những phiên tăng giá mà nên mua trong những nhịp rung lắc tại những vùng hỗ trợ và bán chốt lời khi giá cổ phiếu tiệm cận vùng đỉnh ngắn hạn. Trong nhịp hồi, các phiên điều chỉnh là cơ hội gia tăng tích lũy cổ phiếu, tập trung vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ở các dòng mạnh như chứng khoán, bất động sản…
“Đây là cơ hội cho những nhà đầu tư trading lướt sóng bám sát theo dòng tiền với mức tỷ trọng hợp lý ở mức 40-50%, tập trung nhóm ngành mạnh như chứng khoán, bất động sản, dầu khí, thép”, ông Trần Hoàng Sơn Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS khuyến nghị.
Ông Huang Bo, Giám đốc điều hành Chứng khoán Guotai Junan Việt Nam đánh giá, Việt Nam có nhiều điểm sáng như tiêu dùng nội địa vẫn mạnh, đầu tư công được đẩy mạnh, FDI tích cực và hoạt động xuất khẩu đang phục hồi dần…, là những yếu tố sẽ giúp thị trường chứng khoán đi lên trong dài hạn. Chính vì vậy, vào những thời điểm thị trường điều chỉnh là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư.
“Kỳ vọng sẽ có một số ngành vượt trội hơn so với mức tăng chung của thị trường trong năm 2024. Đầu tiên là ngành ngân hàng, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ có kết quả tích cực trong quý IV/2023, khi tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế được khuyến khích. Hiện tại, định giá P/E của ngành ngân hàng đang hấp dẫn, chỉ quanh mức 9 lần. Thứ hai là ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn đang rất khả quan khi dòng vốn FDI vẫn sẽ chảy mạnh vào Việt Nam và có mức định giá tốt, chỉ quanh 8-9 lần. Một số ngành khác như vật liệu xây dựng và thép cũng sẽ phục hồi vào năm 2024 do được hưởng lợi từ việc tăng cường đầu tư công”, ông Huang Bo nhấn mạnh.
Còn ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cho rằng nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy dần cổ phiếu, ưu tiên các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh cải thiện tích cực trong quý IV như nhóm xuất khẩu (thép, đồ gỗ, nội thất,…), đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp và chứng khoán.
Hải Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn