Doanh nghiệp xuất khẩu và nỗi lo nợ xấu

Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có dấu hiệu tích cực hơn sau nhiều tháng suy giảm. Theo SSI Research, sau khi ghi nhận mức suy giảm 9,8% trong 8 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu tháng 9 đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Mức tăng trưởng dương của kim ngạch xuất khẩu tháng 9 chủ yếu đến từ đà tăng của mặt hàng rau quả (đạt 0,65 tỷ USD, tăng 160%); hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (đạt 0,9 tỷ USD, tăng 30,6%); hàng phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 1,2 tỷ USD, tăng 24,1%); hàng dệt may (đạt 3 tỷ USD, tăng 9,6%)…

Dù hoạt động xuất khẩu được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong các tháng cuối năm nhưng doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nỗi lo nợ xấu, nợ khó đòi khi đối tác gặp khó khăn về tài chính.

Thực tế, lạm phát dai dẳng và chính sách lãi suất cao để kiểm soát lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt của hàng hóa Việt Nam đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, đổ vỡ.

Theo số liệu của Công ty tư vấn Cornerstone Research, trong nửa đầu năm nay, tại Mỹ, có khoảng 16 vụ phá sản của doanh nghiệp lớn (quy mô tài sản từ 1 tỷ USD trở lên), cao hơn so với con số trung bình 11 doanh nghiệp/năm trong giai đoạn 2005 - 2022.

Trong đó, phải kể đến vụ phá sản của Tập đoàn tài chính SVB Financial Group, công ty mẹ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản lên tới 20 tỷ USD. Yellow, một trong những doanh nghiệp vận tải lớn nhất của Mỹ cũng đã nộp hồ sơ xin phá sản…

Còn theo dữ liệu của S&P Global, trong 8 tháng đầu năm nay, có tổng cộng 459 công ty tại Mỹ nộp đơn xin bảo hộ phá sản, vượt con số doanh nghiệp phá sản trong cả hai năm 2021 và 2022.

Việc các doanh nghiệp nộp hồ sơ bảo hộ phá sản tăng lên đồng nghĩa với nguy cơ phát sinh nợ xấu, nợ khó đòi cho các đối tác, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, việc nhà sản xuất và phân phối đồ nội và ngoại thất gia đình Noble House Home Furniture LLC đệ đơn xin phá sản sẽ ảnh hưởng tới ít nhất 2 doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là CTCP Cẩm Hà (mã CHC) và CTCP Phú Tài (mã PTB).

Theo tìm hiểu, Noble House là khách hàng chính, đóng góp bình quân khoảng 50% tổng doanh thu của Công ty Cẩm Hà. Công ty Cẩm Hà cho biết, hiện tại, Công ty đang nỗ lực tham gia vào quá trình giải quyết thủ tục phá sản của Toà án Mỹ (ở quận Houston, Texas) để thu hồi các khoản nợ từ Noble House.

Còn tại Công ty Phú Tài, tại thời điểm 30/6/2023, khoản phải thu ngắn hạn đối với Noble House là hơn 79 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 8 tỷ đồng hồi đầu năm. Con số này tương đương 5,4% doanh thu hợp nhất mảng gỗ nửa đầu năm 2023 của Công ty. Thông tin từ Phú Tài cho biết, so với thời điểm 30/6/2023, số dư phải thu với Noble House còn lại thấp hơn nhiều so với ngày 30/6/2023 và khách hàng này vẫn tiếp tục thực hiện thanh toán theo cam kết.

Thực tế thì không phải khi nào việc thu hồi nợ của đối tác xuất khẩu rơi vào tình trạng phá sản cũng thuận lợi như câu chuyện của Phú Tài. Trong làn sóng Covid-19 đầu năm 2020, RTW Retailwinds, công ty sở hữu gần 400 cửa hàng New York&Co tại Mỹ, đối tác xuất khẩu lớn của Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) đã nộp đơn xin phá sản.

Thời điểm đó, May Sông Hồng có khoản phải thu trị giá 219 tỷ đồng với RTW Retailwinds. Công ty đã bán khoản nợ đó cho Công ty TNHH Easy Fashion Macao Commercial Offshore với giá trị thu hồi quy đổi là gần 80 tỷ đồng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, hồi năm 2018, Công ty cổ phần Dệt may Thành Công (mã TCM) cũng đối mặt với sự cố khách hàng bên Mỹ phá sản. Cụ thể, Công ty Sears Holding nộp đơn phá sản tại tòa án Mỹ và trong danh sách các công ty con của Sears Holding nộp đơn phá sản có 2 đơn vị đang giao dịch với TCM, là Công ty Sears, Roebuck và Công ty Kmart. Hai khách hàng này chiếm đến 7% doanh thu hàng năm TCM, chưa kể đang nợ TCM gần 95 tỷ đồng.

Ngay khi có thông tin đối tác nộp đơn xin phá sản, phía TCM đã thuê luật sư bên Mỹ tham gia quá trình xử lý, đồng thời trích lập dự phòng khoản nợ này, nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được đồng nào…

Xem thêm tại www.tinnhanhchungkhoan.vn